Nước Mỹ là điểm đến du lịch mà hầu hết tất cả mọi người đều muốn, bởi đây là đất nước với nhịp sống hiện đại cùng sự xa hoa, giàu có. Tuy nhiên, để đặt chân đến nước Mỹ thì bạn cần phải vượt qua thử thách đầu tiên mà cũng là khó khăn nhất đó là thủ tục xin Visa Mỹ. Để được chấp nhận đối với visa du lịch, bạn phải chứng minh được rằng bạn sẽ quay trở về sau khi kết thúc chuyến đi của mình. Bởi điều mà Chính phủ Mỹ sợ nhất là những người xin visa du lịch sẽ tìm cách định cư bất hợp pháp tại đây, lấy mất việc làm của người dân địa phương và trốn thuế. Vì vậy, việc xin visa du lịch Mỹ không phải là một điều dễ dàng.
[toc]
1. Viết tắt trong bài viết
- ĐSQ/LSQ: Đại sứ quán, Lãnh sự quán
- HSBC: Ngân hàng HSBC
- MRV: phí xét đơn xin Thị Thực
- B1, B2: visa để đi du lịch và công tác (F1 là visa du học)
2. Hồ sơ xin visa Mỹ
Việc xin visa đi du lịch hoặc công tác (loại B1 hoặc B2) ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn nếu trong cuốn hộ chiếu của bạn có dấu mộc của một số nước trên thế giới. Điều này phần nào chứng tỏ việc bạn đã từng du lịch và đều có quay trở về, cũng như tài chính tương đối ổn định để có thể du lịch đó đây. Mẹo nhỏ giúp bạn có thể đỗ Visa Mỹ đến 95%, đó là bạn hãy lên kế hoạch trước đó khoảng một năm để du lịch tới các nước trong khu vực như Singapore-Malaysia hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc hay HongKong. Đó là những căn cứ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tấm visa của Mỹ. Bài viết này của 1 bạn trên facebook đã chia sẻ cách đây khá lâu, LPH sẽ tổng hợp và bổ sung cho phù hợp với thời điểm hiện tại.
2.1 Hộ chiếu
Bạn phải có hộ chiếu còn hiệu lực ít nhất là 6 tháng kể từ ngày dự kiến kết thúc chuyến đi Mỹ. Đại khái là hộ chiếu của bạn phải còn hiệu lực cho đến lúc rời khỏi nước Mỹ). Hộ chiếu cần có chữ ký ở trang 3.
2.2 Ảnh
Chuẩn bị một ảnh kích thước 5×5 nền trắng, chụp rõ mặt, hở 2 tai. Hình ảnh tiêu chuẩn như thế nào bạn lên website của đại sứ quán sẽ có minh họa cho bạn biết. Một file ảnh mềm để đưa vào form DS160 online, còn lại rửa thêm 1 ảnh để mang tới hôm phỏng vấn.
2.3 Điền form DS160
Sau đó bạn lên website https://ceac.state.gov/genniv/ để điền form DS160 điện tử. Hướng dẫn điền form này ngày trước mình học được từ trang này: http://www.namriver.com/2014/07/visa-my-2014-huong-dan-ien-form-visa.html rất chi tiết kèm hình ảnh minh họa dễ hiểu nữa. Sau khi bạn hoàn thành và submit thì sẽ có một confirmation email được gửi về email của bạn kèm một trang xác nhận có hình 5×5 bạn upload và một dãy mã số. Bạn in ra 2 bản để sử dụng khi đi đóng tiền và khi đi phỏng vấn.
2.4 Đóng phí xin visa
Bạn in trang xác nhận đó ra, mang theo tờ giấy đó ra HSBC và nói nộp tiền xin visa Mỹ. Khi đó nhân viên ngân hàng sẽ chỉ cho bạn một form của ngân hàng để bạn điền vào, rồi mang ra quầy nộp tiền. Đóng phí xong bạn cũng được một tờ giấy biên nhận là đã hoàn thành phí (MRV) từ ngân hàng. Giữ lại phiếu này để mang tới ngày phỏng vấn. Lưu ý: phí visa không được hoàn lại kể cả trường hợp bạn không xin được visa (cái này thật là buồn cười mà, một đi không trở lại luôn). Mà phí này cũng không có rẻ mấy, nên các bạn cố gắng cho bõ công nhé.
3. Lên lịch hẹn
Từ lúc có giấy xác nhận từ ngân hàng, bạn cần chờ tới sau 12h trưa ngày hôm sau thì mới có thể access vào website lên lịch hẹn của ĐSQ (cái này mình mới biết thôi vì lần đầu hình như không phải chờ lâu như thế), nhưng ở mặt sau của tờ biên nhận phí MRV hình như có nói như vậy. Tới lúc vào được rồi, bạn điền thông tin theo các bước trên website và đặt một lịch hẹn với ĐSQ. Website sẽ cho bạn biết ngày phỏng vấn gần nhất bạn có thể đăng kí là ngày nào nên rất tiện lợi, bạn click vào đó, chọn giờ phù hợp, điền địa chỉ mà bạn muốn nhận visa (vì nếu bạn pass thì visa sẽ được dán vào hộ chiếu và gửi về qua đường bưu điện) rồi submit. Sau đó in thư hẹn phỏng vấn ra để mang tới ĐSQ vào ngày phỏng vấn.
Đó là tất cả giấy tờ bắt buộc cho xin visa B1/B2 đi Mỹ. Bạn gom tất cả lại cho vào 1 phong bì mang đi. Có một điểm cộng cho quá trình làm hồ sơ xin visa là không cần giấy tờ nhiều (mặc dù form DS160 dài đọc mờ cả mắt, nhưng đừng vì mờ mắt mà tick nhầm vào ô nào) và mình nhận thấy người Mỹ họ thường có chỉ dẫn trong mọi việc, bước 1 thế nào, bước 2 thế nào… nên cứ theo các chỉ dẫn đó là bạn có thể hoàn thành công việc rồi.
4.Các giấy tờ bổ sung
- Những giấy tờ này không bắt buộc phải có, nhưng trong nhiều trường hợp khi nhân viên ĐSQ hỏi, nếu các bạn đưa ra được bằng chứng để khẳng định thêm việc trở về, thì cơ hội nhận được visa sẽ cao hơn). Trường hợp khác, nhân viên ĐSQ có thể sẽ không hỏi tới, nhưng theo mình các bạn cứ nên làm các giấy tờ này để sẵn sàng tâm lý khi bị hỏi thêm nhé. Các giấy tờ bổ sung:
- Để qua Mỹ bạn phải có một lý do chính đáng. Nếu đi tình nguyện, bạn phải có thư mời từ tổ chức bên đó; nếu đi chơi, bạn phải có lịch trình cụ thể, địa điểm nghỉ ngơi, đôi khi cả vé máy bay nữa.
- Giấy tờ chứng minh tài chính, chứng nhận sở hữu tài sản, bất động sản, bằng chứng hiện tại về thu nhập.
- Nếu đã lập gia đình, nên có đăng kí kết hôn, chứng nhận có con cái.
- Nếu bạn đi làm, có thể có thư của chủ lao động xác nhận bạn đã và đang làm việc ở công ty này, có thể thêm bảng lương 3 tháng gần nhất để chứng tỏ bạn có công ăn việc làm ở VN, chỉ qua Mỹ 1 thời gian thôi rồi lại về.
- Học sinh thì có thể mang theo kết quả học tập, bảng điểm, bằng cấp (càng liên quan tới mục đích chuyến đi càng tốt).
- Với các bạn đi tình nguyện: Những giấy tờ như giấy khám sức khỏe, nha sĩ, bảo hiểm các thứ là yêu cầu từ phía tổ chức của các bạn, các bạn nên chuẩn bị để đảm bảo cho chính mình khi sang bên đó, tuy nhiên đây không phải là giấy tờ bắt buộc cần mang tới ĐSQ.
- Vé máy bay: không nên mua trước khi xin visa nhé, vì còn chưa biết tình hình thế nào mà.
5. Phỏng vấn
Tất cả những ai xin visa đi Mỹ lần đầu đều phải tới ĐSQ/LSQ để phỏng vấn. Tới ngày phỏng vấn, bạn nhớ ăn mặc lịch sự gọn gàng nhé, gì chứ như vậy là cũng tạo được thiện cảm cho người phỏng vấn rồi. Chưa kể là mấy “bác” nhân viên z, có anh còn giống Adam Levine nữa cơ hehe. Bạn nên tới sớm 15-20 phút so với giờ hẹn, hoặc sớm hơn nữa, lần trước mình bị mắng vì 9:30 phỏng vấn mà 9:20 mới tới đó. Khi đi nhớ mang theo CMND để làm thủ tục vào trong nhé.
Nhiều người cho rằng phỏng vấn xin visa Mỹ khó, có người bị hỏi vô vàn câu hỏi, có người chỉ được hỏi có 1-2 câu rồi về, vậy nên chẳng biết đường nào mà lần. Đối với nhân viên ĐSQ, họ luôn giả định rằng mỗi ứng viên đến phỏng vấn đều có ý định ở lại Mỹ. Vậy nên công việc của họ là làm thế nào để dò hỏi bạn, còn công việc của bạn là làm thế nào để chứng minh điều ngược lại. Họ quan tâm bạn qua Mỹ làm gì, nhưng họ còn quan tâm bạn có trở về hay không nhiều hơn. Do vậy, những ràng buộc ở VN là rất cần thiết để đảm bảo việc bạn quay về. Trước khi bạn tới phỏng vấn, người ta đã xem form DS-160 của bạn và nắm được thông tin chung của bạn rồi, còn phần phỏng vấn chỉ là xem bạn có xinh đẹp hay không (đùa chút thôi), xem phần trả lời trực tiếp của bạn thế nào, có đáng tin hay không, bạn có tự tin khẳng định rằng bạn sẽ quay về VN sau khi hoàn thành công việc/du lịch ở Mỹ hay không.
Bạn cứ bình tĩnh trả lời nhé, mình không làm gì sai nên không có gì phải run cả. Họ hỏi gì thì trả lời đó, gọn gàng, đủ thông tin, không nên dài dòng quá mà cũng không nên ngắn quá kiểu chỉ có yes/no, một ngày họ có tới cả trăm người tới phỏng vấn, nên mỗi người chỉ có khoảng 3-5 phút trình bày thôi. Nhân viên ĐSQ họ được đào tạo để nhận biết bạn có nói dối hay không, nên bạn nói cái gì mà không khớp với DS160 hay lúng túng không trả lời được là họ reject liền. Nhân viên ĐSQ nói được 2 thứ tiếng (hoặc có thông dịch viên), họ sẽ hỏi bạn có nói được tiếng Anh không, nếu bạn tự tin trả lời bằng tiếng Anh thì dùng tiếng Anh, còn không họ sẽ hỏi bạn bằng tiếng Việt. Họ có thể có những câu hỏi bẫy như là: Nếu được ở lại làm việc tại Mỹ thì bạn nghĩ sao, rồi khi qua Mỹ thì tiền nong của bạn thế nào (bạn phải đưa ra bằng chứng về việc đảm bảo tài chính, nếu đi tình nguyện thì phải có đơn vị bảo trợ, đi du lịch thì có tiền đi chơi đầy đủ), lúc quay về định làm gì, gia đình ở đâu, bố mẹ làm gì, có người thân ở Mỹ không (có thì nói có, không nói không, đừng nói dối quanh co) v.v… Không có một ví dụ chung nào cho việc trả lời nhân viên ĐSQ nên mình không thể nêu ra ở đây, và nhiều người bị reject mà mãi cũng chẳng hiểu lý do là gì. Vậy nên cơ hội để bạn “tỏa sáng” chỉ là ở trong 3-5 phút đó thôi, cố gắng nắm bắt nhé.
Nếu bạn qua, họ sẽ giữ hộ chiếu của bạn rồi dán visa và gửi về qua đường bưu điện trong 1 vài ngày. Nếu bạn trượt, bạn sẽ nhận được thông báo ngay tại lúc đó, đỡ phải thấp thỏm. Trường hợp bạn bị trượt thì cũng đừng lo, vì bạn có thể xin lại visa chứ không phải bị từ chối vĩnh viễn. Nhiều người nói thời gian ổn nhất để xin lại visa là sau 3 tháng, xin lại ngay có thể khả năng bị reject vẫn cao, và những thông tin lần sau phải khớp với lần đầu kẻo họ lại nghĩ mình gian lận. Có điều bạn cần chuẩn bị tâm lý kỹ hơn để thể hiện tốt hơn ở lần phỏng vấn sau nhé.
Trên đây là các công đoạn và giấy tờ cần chuẩn bị để bắt đầu hành trình sang Mỹ của các bạn, hi vọng nó sẽ giúp ích các bạn ít nhiều trong công tác chuẩn bị cho ngày cất cánh. LPH chúc các bạn thành công với bước đầu tiên trong công cuộc chinh phục “Giấc mơ Mỹ” của mình nhé!
Nguồn: Facebook
Xem thêm
Hướng dẫn thủ tục xin Visa du lịch Hàn Quốc
Hướng dẫn thủ tục xin Visa du lịch Nhật Bản